
Chúng ta tiếp tục series về Đất nha các bạn.
———————————————————————-
Hiện bên mình đang có lớp buổi chiều học online vào t2-t5 hoặc t3-t6,
Lớp online buổi tối cần 1 học viên nữa là khai giảng ạ. Form đăng ký:
Hoặc inbox trực tiếp cho page các bạn nhé!
Thank you.
———————————————————————-
Phần II: Tầm ảnh hưởng của Đất
Bài 2: Sự ảnh hưởng của Đất lên chủ thể khác và toàn bộ câu chuyện
Hãy nghĩ đến một tảng đá lớn lăn xuống giữa đường đi và chắn đường bạn. Tùy vào đánh giá của bạn về độ nặng của tảng đá và sức lực của bản thân, bạn sẽ có nhận định rằng mình có thể đẩy nó ra khỏi con đường hay không. Tuy nhiên, sự đánh giá chủ quan này không phải lúc nào cũng đúng. Nếu tảng đá quá nặng, bạn sẽ không thể di chuyển được nó ra khỏi con đường và phải sử dụng sự hỗ trợ từ những công cụ đặc biệt. Trong trường hợp khác, bạn thấy tảng đá quá lớn và nghĩ rằng mình không thể nhấc nó ra được, nhưng lại không để ý đến việc nó có hình khối tròn nên bạn chỉ cần dùng lực đẩy nó lăn ra là xong.
Bạn tự đánh giá có thể sai, nhưng có một điều không thể sai được: đó chính là định mức sức lực của bạn và độ lớn cùng khối lượng của hòn đá. Nếu sức của bạn lớn hơn, bạn sẽ là người có tầm ảnh hưởng cao hơn trong câu chuyện, bởi bạn có thể di chuyển hòn đá đó theo chủ đích của mình. Nếu hòn đá nặng hơn sức của bạn, hòn đá sẽ có tầm ảnh hưởng cao hơn, bởi bạn đã bị chắn đường không thể đi qua nữa. Đó chính là nội dung của bài viết ngày hôm nay: sự ảnh hưởng của Đất lên chủ thể khác. Dựa vào trải bài Tarot để đánh giá định mức Đất của mỗi cá thể bên trong nó, bạn có thể đánh giá được chủ thể nào có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong câu chuyện và có khả năng dẫn dắt câu chuyện theo ý của mình, chủ thể nào sẽ buộc phải nghe theo hoặc phải có phương pháp tác động hợp lý để đạt được điều mình muốn.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ những ví dụ thực tế dễ hiểu. Một bạn xin tiền mẹ của mình, thì kết quả của việc bạn này có được tiền hay không hoàn toàn nằm ở người mẹ. Lúc này, chúng ta nói rằng vị thế trong câu chuyện của người mẹ đang cao hơn người bạn kia, bởi người mẹ được cho là người sở hữu tiền, thứ mà người kia đang cần. Người bạn này có thể có nhiều phương án để tăng tỷ lệ xin tiền thành công, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là do người mẹ quyết. Lúc này, chúng ta sẽ hiểu rằng Đất của người mẹ trong câu chuyện này là cao hơn người con và nắm quyền làm chủ kết quả tương lai. Điều đáng chú ý là “Đất” ở đây không hẳn là nói về tiền tài theo kiểu mẹ có tiền thì có thể quyết, “Đất” ở đây nói đến vị thế của một chủ thể và tầm ảnh hưởng của nó trong toàn bộ câu chuyện mà nó góp mặt. Ví dụ như người mẹ không có tiền để cho, nhưng người mẹ có thể từ chối và người con sẽ không hề biết điều này. Đó chính là điểm khó nhất trong việc đọc Đất của một trải bài, bởi nếu bạn để lý tính dẫn dắt, bạn rất dễ nghĩ đến những thứ “Đất” hiển nhiên kia trước như người mẹ lớn tuổi hơn con nên đương nhiên có quyền quyết, hay mẹ là người có tiền nhưng không cho… chẳng hạn.
Ví dụ ở trên, con xin tiền mẹ, là một ví dụ tương đối thuận trực giác. Vậy một số câu chuyện phản trực giác thì sao? Ví dụ như người mẹ tư vấn người con rằng con nên đi bơi trong những ngày hè. Chỉ cần người con đồng ý, mẹ sẽ xuất tiền và kiếm lớp cho con. Nhưng lúc này, việc xuất hiện những lá bài mang vị thế đất cao như King, Queen ở vị trí của người con là hoàn toàn bình thường. Bởi lúc này câu chuyện sẽ thiên về nếu người con nói không, thì người mẹ cũng sẽ phải theo: người con vẫn là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến tương lai câu chuyện.
Cơ mà, nếu cứ thuận mẹ thuận con thì mọi thứ lại dễ. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy câu chuyện có thể diễn biến phức tạp hơn nữa: người mẹ có xu thế ép buộc, còn người con chống đối thì sao? Ai sẽ là người thắng? Ai sẽ là người làm chủ câu chuyện? Ai sẽ là người có được điều mình muốn cuối cùng? Trong quá trình dẫn đến kết quả cuối cùng ấy, thì sẽ là một cuộc trò chuyện vui vẻ giữa hai mẹ con hay là tranh luận căng thẳng? Liệu có xảy ra cãi vã bất đồng giận hờn cáu gắt? Đọc “Đất” trong trải bài chính là giúp bạn sẽ đọc ra được những tình huống kể trên, dựa vào sự kết hợp của Đất trong câu chuyện với các nguyên tố khác trên từng lá bài đặc trưng.
Đất càng lớn thì sự chi phối càng cao. Ví dụ như một ông vua và một dân thường sẽ là mối quan hệ một chiều (người dân sống trong vương quốc của ông vua – trong “Đất” của ông ta). Một đứa con vẫn sử dụng tài chính của cha mẹ để sống thì sẽ phải phụ thuộc vào cha mẹ. Một công việc do ô dù nâng đỡ mà có thì phải có sự phụ thuộc nhất định vào những người có ơn với mình (sử dụng vị thế của người khác). Về cơ bản, nếu một chủ thể phải sử dụng Đất của một chủ thể khác trong câu chuyện, thì rất dễ để xác định đâu là chủ thể có vị trí cao hơn. Tuy nhiên có nhiều trường hợp vị thế sẽ nằm ở mức tương đồng và chúng ta sẽ hiểu rằng chúng dễ phát sinh vấn đề. Lúc này, việc thấu hiểu Đất tự công nhận của mỗi cá thể sẽ giúp chúng ta định hướng câu chuyện dễ hơn.
Ví dụ, hai học sinh đang tranh cãi gay gắt về một vấn đề. Hai học sinh này có vị thế ngang nhau, nhưng một bạn thì tự công nhận mình giỏi nên lên tiếng theo kiểu đàn áp bên kia, bạn còn lại thì không ăn nói tốt bằng nhưng được cái cũng cứng đầu bảo thủ, đời không nể ai chẳng hạn. Dựa vào đánh giá sự tự công nhận này, bạn sẽ có câu trả lời về kiểu mâu thuẫn của hai chủ thể và với sự kết hợp các nguyên tố khác, bạn sẽ nhận định được kết quả tương lai.
Hi vọng qua 3 bài viết, mình đã chia sẻ được cho các bạn cách sử dụng nguyên tố để đọc câu chuyện tổng quan như thế nào. Đương nhiên, đây mới chỉ là nguyên tố Đất mà thôi. Ngoài ra, chúng ta còn một bài sau cùng nữa, đó là mối quan hệ của Đất với các nguyên tố còn lại.
Các bạn hãy đón đọc nhé. Nếu các bạn thích series kiểu này, các bạn hãy comment cho mình biết thì mình sẽ viết thêm 1 nguyên tố nữa.
Thank you all.