12/01/2023

Hôm trước, mình đã chia sẻ vì sao đối với mình thì cách tìm ra Đất trong câu chuyện lại xuất phát từ việc đi tìm sự công nhận của chủ thể này với chủ thể kia, chứ không phải đi tìm hiểu xem họ đang sở hữu những gì.

Hôm nay mình sẽ viết về Đất có tầm ảnh hưởng như thế nào đến các chủ thể trong câu chuyện. Đây cũng là một nội dung dài, và phải tách ra làm 2 hoặc nhiều bài viết, tùy theo cảm hứng phát triển ý của mình.

Bởi bình thường những chia sẻ này mình sẽ dùng ngôn ngữ nói để giảng bài, nên khi chuyển chúng về ngôn ngữ viết mình không thể ước lượng chính xác được độ dài của bài viết.

———————————————————————-

Bên mình vẫn đang tuyển sinh nha các bạn.

Thank you.

———————————————————————-

Phần II: Tầm ảnh hưởng của Đất

Bài 1: Sự ảnh hưởng của Đất trong chính chủ thể của trải bài

Bài viết trước chúng ta đã được nhắc đến thế nào là sự công nhận chính mình. Khi một chủ thể công nhận Đất của bản thân họ, thì điều này sẽ tạo ra một số vấn đề như sau:

 • Xét theo lý tính, việc công nhận Đất của bản thân sẽ khiến chủ thể bị ảnh hưởng trong cả suy nghĩ lẫn hành động. Có những sự công nhận mang tính “tự lượng sức mình” và có thể xác minh được, ví dụ như tài khoản có bao nhiêu tiền, hay bằng cấp của bản thân là gì. Nhưng cũng có những sự công nhận không có cơ sở xác minh và mang tính tương đối hơn như tự công nhận bản thân mình từng trải và dày dặn kinh nghiệm, tự cho rằng mình giỏi giang hơn đối phương. Cả hai trường hợp tự công nhận này đều có thể phát sinh ra những sai lầm như nhau, bởi khi chúng ta tự công nhận bản thân mình thì tức chúng ta đang đánh giá chúng dưới góc nhìn chủ quan, và điều này nhắc lại một vấn đề kinh điển: không phải lúc nào cũng ta cũng đúng.

Khi mức độ tự công nhận bản thân mình quá cao, chủ thể thường dễ sinh ra một số trạng thái như chủ quan, tự kiêu, tự mãn. Đặc điểm chung của trạng thái này là chủ thể luôn cảm thấy mình nắm quyền kiểm soát vấn đề, hoặc khả năng của bản thân thừa sức giải quyết bất cứ khó khăn nào gặp phải. Một số lá bài điển hình cho tình huống này như Five of Pentacles, Knight of Swords hay King of Pentacles. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, ở những lá bài thể hiện Đất thực tế còn thấp và Khí mang tính chủ quan (như Five of Pentacles hay Knight of Swords), chủ thể thường sẽ có những đánh giá sai lệch về độ khó khăn thực tế – là nguyên nhân cho các vấn đề được mô tả trong những lá bài này; trong khi những lá bài thể hiện Đất và Khí ở mức cao và hoàn thiện như King of Pentacles thì vấn đề này sẽ không còn nghiêm trọng nữa và thay vào đó là sự công nhận thực tế từ thế giới bên ngoài.

Điều đó cũng có nghĩa là sự tự mãn, sự tự công nhận bản thân mình ở mức cao không hoàn toàn là xấu. Đất quy định Khí, nên nếu Khí của chủ thể đó cũng ở mức cao tương đương thì đây lại là sự kết hợp hoàn hảo. Chúng ta hãy ví dụ rằng giả sử bạn có 1 tỷ trong tài khoản, nhưng khả năng sử dụng số vốn ấy để đầu tư của bạn bằng 0 (Khí thấp) thì bạn chỉ nghĩ đến việc gửi ngân hàng là cùng; trong khi một người với tư duy đột phá và tài giỏi thì họ có thể sử dụng số vốn đó để khởi nghiệp và làm được những điều lớn lao. Khí cần phải đủ mạnh để phát huy hoàn toàn tiềm lực của Đất, nếu không thì sẽ bị phí. Ngược lại, Đất phải đủ mạnh để hỗ trợ Khí thì mới có kết quả, nếu không chủ thể đó sẽ là kiểu “ếch ngồi đáy giếng, thùng rỗng kêu to”. Mạnh mồm nói rằng ngày mai bạn sẽ mở một chuỗi nhà hàng và đưa ra một kế hoạch 100 trang, trong khi đồng vốn chỉ là 100 triệu và không có mối quan hệ vay mượn nào thì người ta sẽ chỉ nói rằng bạn mơ mộng ảo tưởng mà thôi. Dù sao đây cũng là kiến thức về sự tương tác giữa Đất và Khí, có lẽ một ngày trong tương lai mình sẽ viết về vấn đề này.

Còn khi họ tự công nhận mình ở mức độ quá thấp so với thực tế thì sao? Chúng ta lại có những từ ngữ như sự tự ti, rụt rè, nhút nhát. Họ thực sự có khả năng, nhưng lại nhìn nhận bản thân mình ở một tầm thấp hơn khả năng đó. Họ sẽ dễ dàng từ bỏ những thử thách mà đáng lẽ họ có thể vượt qua và đạt được thành tựu. Những người như vậy thường sẽ khó phát triển hoặc chậm phát triển, và điều họ thường làm là bám theo một ai đó thành công hoặc một ai đó họ tin cậy.

Nói tóm lại, việc nhận định Đất tự công nhận của một chủ thể có thể giúp bạn xác định được một phần lý do dẫn đến cách hành động của chủ thể ấy, cũng như những phản ứng của chủ thể ấy trong tương lai. Ví dụ như một người tự kiêu và hiếu thắng sẽ thường đánh giá thấp môi trường và cũng khó chấp nhận sự thật khi họ bị thất bại, họ có thể mất tất cả chỉ vì sự chủ quan của mình; trong khi đó một người nhút nhát và tự ti sẽ thường dễ bị cuốn theo những sự mời gọi hấp dẫn, những sự đầu tư mà chỉ cần tiền chứ không cần làm. Họ thường sẽ là nạn nhân của sự lừa gạt và dễ bị lợi dụng. Họ thường đánh mất cơ hội của chính mình.

• Xét theo cảm tính, thì Đất tạo ra sự ràng buộc của một chủ thể vào một chủ thể khác hoặc một câu chuyện nào đó. Đất càng nhiều thì ràng buộc càng lớn. Điều này không hề khó hiểu. Sự công nhận của bản thân bạn vào một sự đầu tư nào đó càng nhiều thì càng khó để bạn bỏ đi.

Nếu bạn quen thuộc với mô hình leo núi được vẽ trong cuốn “21 cách đọc một lá bài tarot” của Mary K. Greer thì bạn có thể dễ dàng hiểu được khi mình nói rằng: trong con đường phát triển từ 1-10, từ số 6 trở đi là bạn đã không còn muốn từ bỏ nữa. Tại mô hình này, 6 thể hiện một người đã leo lên đỉnh một ngọn núi đầy thử thách, và 7 8 9 10 là con đường đi xuống và giữ gìn thành quả ấy. Đã leo lên đỉnh núi rồi, sự tự hào dâng trào thì giữa việc đi tiếp để được công nhận và đi về coi như công cốc bạn chọn gì? Còn trước 6, bạn hoàn toàn có thể đi về nhà và từ bỏ ý định của mình. Đương nhiên, số 4 số 5 sẽ mang đến sự tiếc nuối khi từ bỏ nhiều hơn số 1, số 2 bởi sự đầu tư của chúng ta vào câu chuyện là nhiều hơn, thành quả có được cũng nhiều hơn.

Sự ràng buộc của Đất tạo ra sự níu kéo hoặc sự chai lì trong câu chuyện. Khi bạn đã đầu tư quá nhiều, bạn không muốn từ bỏ. Khi bạn cảm thấy sắp thành công đến nơi, bạn trở nên lì lợm và tìm cách dẫm đạp lên khó khăn hơn là tỉnh táo tháo gỡ nó. Hãy nghĩ đến việc bạn chỉ còn 20 mét nữa là thoát được ngã tư kẹt xe và đang bị cuốn trôi vào dòng xe ngang dọc. Có bao nhiêu bạn sẽ bình tĩnh chờ người ta đi qua hết rồi mình mới đi hay là mình cũng sẽ cố nhào vào tìm cách lách ra nốt cho xong? Ngược lại, khi bạn đầu tư ít hoặc chưa đầu tư gì cả, bạn hoàn toàn có thể từ bỏ mà không vướng bận quá nhiều. Bạn nộp yêu cầu ghi danh xin học, nhưng bạn chưa nộp học phí, bạn hoàn toàn có thể bỏ nó mà chẳng cần phải suy nghĩ gì. Đang định ra ngoài mà trời mưa, thật dễ để tiếp tục ở nhà đã.

Đôi khi Đất thấp cũng mô tả trường hợp bạn không quá kỳ vọng với câu chuyện. Có những bạn làm việc tại một công ty đã vài năm, nhưng họ vẫn chỉ có cảm giác của 3 Đất với 4 Đất, rằng nghỉ thì cũng có tiếc đấy, nhưng chán thì nghỉ thôi, đi tìm kiếm cơ hội khác, thiếu gì. Cơ mà lại có những bạn vừa vào công ty được 1 tháng đã sống chết tìm cách ở lại, cho dù có phải bán sức đi chăng nữa. Lá bài số to hay nhỏ, Đất được đánh giá là thấp hay cao không được quy định theo đơn vị thời gian, hay do chúng ta nhận xét mức độ cống hiến. Chúng được quy định bởi sự tự đánh giá và tự kỳ vọng của chủ thể trong câu chuyện như thế nào.

Hiểu được mức độ Đất ảnh hưởng vào bản thân chủ thể theo góc nhìn cảm tính, bạn có thể dễ dàng thấu hiểu các tình huống như vì sao mồn một là thất bại mà họ không từ bỏ, hoặc sắp đổ vỡ đến nơi mà họ vẫn dửng dưng, vì sao đầu tư lâu rồi mà bỏ đi họ không mảy may tiếc nuối, hoặc đôi khi mới bỏ công một tý thôi đã bồn chồn sốt ruột không yên.

Đất thấp khiến cho người ta dửng dưng hơn vào cái kết câu chuyện, còn Đất cao thì đôi khi họ còn không muốn cả nghe những câu khuyên răn từ bỏ. Các bạn cứ thử khuyên một người đang bị 8 Kiếm rằng thôi bế tắc lắm bỏ đi xem, họ có thực sự cảm thấy ừ đúng mình nên làm thế không, hay là họ luôn nghĩ rằng “phải có cách chứ”? Bạn thử khuyên một lá 6 Gậy rằng thôi nguy hiểm lắm không nên làm, xem người ta có nói “ừ có khi vậy thật” không nhé.

Chung quy lại, việc hiểu mức độ Đất mà một chủ thể đang tự công nhận mình có thể giúp bạn giải thích một phần nguyên nhân sâu xa của hành động chủ thể đó, giúp bạn có được khả năng đánh giá xem những gì họ đang làm là thật lòng hay có nguyên do vô hình nào khác, rằng họ đang hành động bởi lý tính hay cảm tính. Dựa vào những thông tin ấy, bạn có được phương án trao đổi tốt nhất và hiệu quả nhất để họ có thể nghe lời mình, cũng như biết cách đưa họ trở lại thực tế khách quan. Hãy luôn nhớ rằng, ai cũng có thể sai. Vì vậy đừng quá vội tin vào chia sẻ theo góc nhìn của khách hàng. Hãy tin vào lá bài của Tarot sẽ luôn đưa ra một nhận định chính xác nhất cho bối cảnh mà querent đang gặp phải.

Ở bài sau, mình sẽ viết về tầm ảnh hưởng của Đất ở một chủ thể tạo ra tính chi phối chủ thể khác như thế nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *