
Đối với mình, bộ bài chỉ được coi là có thể sử dụng trong một trải bài khi chúng thỏa mãn tối thiểu hai yếu tố:
- Bộ bài đầy đủ cấu trúc như chúng được thiết kế ban đầu (78 lá bài theo tiêu chuẩn hoặc các lá mở rộng do tác giả thêm vào chẳng hạn)
- Bộ bài được tráo kỹ, và cả reader lẫn querent đều không có bất cứ ý niệm nào về việc bất kỳ lá bài nào đang ở vị trí tương đối nào trong bộ bài.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ vì sao việc tráo bài lại quan trọng, và tráo bài sao cho phù hợp nhé.
———————————————————————-
Để dễ dàng tra cứu các bài viết trước, các bạn truy cập: https://hometarot.com/
Like & Follow Page Tự Học để nhanh chóng tăng cường kiến thức: https://fb.com/hometarottuhoc
Group thảo luận của Home51: https://www.facebook.com/groups/321164786889786/
Page bán hàng: https://fb.com/home51vn
Shop bán hàng: https://mykiot.vn/hometarot
Shopee: https://shopee.vn/hometarot
Hotline: 09.8686.2313
Địa chỉ Shop: Số 47 ngõ 71 Hoàng Văn Thái – Thanh Xuân – Hà Nội
———————————————————————-
Đầu tiên, thế nào gọi là ý niệm về việc lá bài nào đang ở đâu.
Ví dụ, sau khi bạn trải một trải bài gồm 3 lá A, B và C, sau đó để tiện tay bạn đưa thu chúng về thành một tập (stack) và đưa thẳng lên trên cùng của bộ bài bạn đang cầm. Như vậy lúc này bạn sẽ có được thông tin là 3 lá bài đang ở trên cùng của bộ bài. Nếu bạn rút các lá bài từ dưới cùng hoặc từ giữa bộ bài ra, xác suất 100% sẽ là bạn không rút phải 3 lá vừa thu về.
Nếu bạn dùng 1 lần tráo hindu (hindu shuffle – dạng tráo bài đưa một phần lá bài từ dưới hoặc giữa bộ bài lên trên cùng – dạng tráo phổ thông nhất) thì lúc này 3 lá vừa đề cập ở trên sẽ nằm đâu đó ở khoảng giữa bộ bài. Bạn rút trên cùng hoặc dưới cùng sẽ có xác suất 100% không rút phải 3 lá đó.
Giả sử bạn rút ở giữa bộ bài, và bạn rút ra một trong 3 lá vừa nãy, bạn cũng biết rằng cùng vị trí đó bây giờ sẽ là một trong hai lá còn lại.
Điều này vi phạm tính ngẫu nhiên khi rút bài. Thông điệp sẽ không còn chính xác bởi đó là sự lựa chọn có chủ đích của bạn hoặc khách hàng, và nó không còn là đọc Tarot nữa.
Hãy lưu ý rằng tình trạng trên có thể xảy ra ngay tại trải bài đầu tiên, khi:
- Bạn tráo bài mở đầu nhưng vô tình làm rơi một lá bài và khách hàng nhìn thấy lá bài đó. Sau đó bạn đưa lá bài trở về bộ bài nhưng khách hàng quan sát cách bạn tráo hoặc bạn không tráo kỹ, dẫn đến khách hàng biết lá bài vừa rơi ra nằm ở khoảng nào trên bộ bài.
- Bạn tráo bài nhưng do cách cầm bộ bài khiến khách hàng luôn nhìn thấy lá bài dưới cùng, lúc này khách hàng có thể có thông tin về vị trí của 2 lá hoặc nhiều hơn nữa.
Tráo bài là một việc làm cần thiết để làm mới bộ bài sau mỗi lần trải, ngoài ra cách thức tráo bài còn ảnh hưởng đến độ bền của bộ bài. Một số reader sẽ tự tráo bộ bài của mình và tự rút bài, một số sẽ đưa cho khách rút (mình là trường hợp này – mình tráo nhưng khách rút), một số thì đưa cả bộ bài cho khách tráo và tự rút luôn. Hôm nay mình sẽ đề cập đến các phương thức tráo bài phổ biến, ưu và nhược điểm của chúng nhé.
- Hindu
Tráo bài kiểu hindu là kiểu tráo phổ thông nhất tại các nước châu Á. Đây là cách các bạn thường dùng để tráo bộ bài Tây, nên thường các bạn sẽ mang nó vào Tarot luôn. Ưu điểm của loại tráo này đương nhiên là quen tay nhất nên dễ làm, tuy nhiên đối với Tarot thì nó mang nhiều nhược điểm hơn các kiểu tráo bài khác vì:
- Khả năng tách các lá bài ở cạnh nhau ra xa nhau rất thấp (chỉ 1-3 cặp bài mỗi lần tráo)
- Với những ai tay nhỏ và bộ bài lớn thường khó khăn trong việc cầm tráo nên dễ bị rơi bài
- Với bộ bài nặng hoặc dày sẽ phải dùng lực lớn hơn (cầm chặt, đập mạnh) làm giảm tuổi thọ cạnh bài và mặt bài.
Về cơ bản thì mình không khuyến khích cách tráo bài này, kể cả khi bạn dùng các bộ bài size nhỏ.
2. Overhand
Đây là kiểu tráo bài thông dụng nhất tại các nước phương Tây, bằng cách đưa dần từng stack bài trên cùng ở tay này sang lòng bàn tay bên kia bằng ngón tay cái. Ưu điểm của việc tráo bài này là mức độ chia tách tốt hơn Hindu, cạnh bài được đỡ bởi lòng bàn tay nên giảm gánh nặng cho các ngón, điểm cầm nằm ở cạnh trên và dưới của bộ bài nên viền ngang của lá bài cũng sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn.
Đây là kiểu tráo bài mình rất khuyên dùng khi sử dụng Tarot nha các bạn
3. Riffle
Riffle là kiểu tráo bài tách bộ bài ra làm hai nửa, uốn cong góc bằng ngón tay và thả từ từ cho chúng đan vào nhau rồi xếp lại như cũ hoặc ép cong lại làm thành hình cầu vòm (bridge) cho đẹp mắt. Đây là kiểu tráo bài có độ phân tách lá bài tương đối tốt, tuy nhiên chúng phù hợp với kích cỡ của các lá bài tây hơn là Tarot, bởi lá bài Tarot thường dài và dày hơn, chất liệu giấy cũng không cứng bằng. Tráo kiểu này bài sẽ hỏng rất nhanh và thường có dấu hiệu quăn góc, rất khó phục hồi do không có độ đàn hồi tốt như lá bài Tây.
4. Pile
Pile là dạng tráo bài mà bạn sẽ chia các lá bài thành các tụ bài riêng với số lượng tùy thích, số lượng tụ càng lớn thì khả năng chia tách các lá bài càng cao. Đây là kiểu tráo bài đảm bảo sẽ tách được các lá đang cạnh nhau ra xa nhau, nhưng cũng giảm tính ngẫu nhiên bởi số lượng và độ phân tách do bạn quyết định.
Pile shuffle nên làm mỗi khi bắt đầu một buổi read mới là tốt nhất (vì lúc đó chúng ta cũng không còn ý thức về các vị trí của lá bài từ lần dùng trước), còn khi đã đọc rồi thì không nên làm nữa nha các bạn.
5. Corgi
Tráo corgi hay còn gọi là “rửa bài” là cách bạn đưa lá bài lên trên mặt bàn rồi bung chúng ra khắp mặt bàn rồi xếp lại. Đây là kiểu tráo bài thông dụng tại các casino bởi chúng vừa đảm bảo được việc không lộ lá bài khi tráo và cũng che giấu vị trí rất tốt. Đối với Tarot bạn chỉ nên tráo kiểu này nếu:
- Bạn có sử dụng khăn trải bài để bảo vệ mặt bài
- Bộ bài của bạn có chất giấy trơn, cạnh sắc. Bộ bài nào nhám hoặc cạnh dầy tráo kiểu này là hỏng ngay
- Bạn đọc bài hai chiều vì tráo kiểu này không chỉ có lá bài mà xuôi ngược sẽ tùm lum luôn.
Ngoài ra thêm một thói quen tốt nữa là mỗi khi bạn trải bài xong, bạn nên đưa từng lá bài lẻ về bộ bài tại các vị trí khác nhau trước khi tráo. Trong các kiểu tráo bài trên thì mình khuyến nghị sử dụng pile shuffle khi bắt đầu trải rồi sau đó tráo kiểu overhand các bạn nhé. Như vậy vừa đảm bảo tính ngẫu nhiên, vừa có thể kiểm tra đủ bài trước khi đọc, vừa đảm bảo độ bền cho các lá bài.