12/01/2023

Hôm nay mình sẽ lên một series mới về kiến thức lá bài. Ở series này mỗi phần sẽ có hai (hoặc nhiều hơn) lá được mang ra phân tích. Tùy từng trường hợp, có thể mình sẽ phân tích kỹ càng chúng, hoặc có thể sẽ chỉ phân tích một khía cạnh nào đó mà thôi.

Mục tiêu của series này là mang đến cho các bạn sự phân biệt rõ ràng hơn cho một số lá có thể có những tương đồng trong ý nghĩa, nhưng thực sự chúng rất khác nhau. Ngược lại, sẽ có những cặp bài mà nhìn qua thì chúng lại không có gì giống nhau, nhưng chúng lại có một điểm chung quan trọng nào đó.

Mình hi vọng series này sẽ tiếp tục mang đến cho các bạn những kiến thức bổ ích, và cũng sẽ được các bạn ủng hộ như series card lẻ. Series này có thể mình sẽ không lên bài hàng ngày, nhưng bù lại mình dự kiến nó sẽ có khoảng 30 bài hoặc hơn thế, tùy vào sự ủng hộ của các bạn.

———————————————————————-

Tất cả content của bên mình đều có thể tìm được tại trang web: https://hometarot.com/

Like & Follow Page Tự Học để nhanh chóng tăng cường kiến thức: https://fb.com/hometarottuhoc

Group thảo luận của Home51: https://www.facebook.com/groups/321164786889786/

Page bán hàng: https://fb.com/home51vn          

Shop bán hàng: https://mykiot.vn/hometarot

Shopee: https://shopee.vn/hometarot

Hotline: 09.8686.2313

Địa chỉ Shop: Số 47 ngõ 71 Hoàng Văn Thái – Thanh Xuân – Hà Nội

———————————————————————-

IV – Emperor và XI – Justice

Cặp đầu tiên mà mình muốn đề cập chính là Emperor và Justice. Đây là một cặp không quá khó đọc nhưng chúng không phải là những lá bài có thể chốt đơn giản là bạn đang gặp chuyện gì, đúng hay sai nên mình thấy nhiều bạn bị lúng túng khi rút ra chúng và không biết đọc như thế nào. Lý do vì đây là những lá bài bị ảnh hưởng mạnh bởi chủ quan của reader. Mỗi một reader khác nhau có thể sẽ nhìn vào chúng và đưa ra những nhận định đúng, sai khác nhau. Đúng, sai chỉ là khái niệm tương đối và cần phải áp trên một hệ quy chiếu thì mới có thể nhận định được, và chủ quan của từng reader sẽ đóng vai trò làm hệ quy chiếu trong trường hợp này; sau đó khi tương tác và áp vào hệ quy chiếu của khách hàng sẽ có thể bị sai lệch, gây ra sự thiếu dứt khoát trong việc nhận định sự kiện xảy ra ở câu chuyện, đôi khi cũng khó thuyết phục khách hàng nữa. Tuy nhiên bây giờ mình sẽ chỉ đề cập đến việc hướng dẫn cách đưa ra quyết định cho đúng khi rút ra Emperor hoặc Justice thôi nhé.

*/*Ở bài viết này, mình sẽ phân tích hai lá trên dựa theo mô hình “3 hàng 7 cột” khi học ẩn chính. Mô hình này mình thấy cũng nhiều phiên bản, nên mình sẽ không đề cập quá chi tiết về nó. Có khi cách mình sử dụng 3 hàng 7 cột này cũng không giống với nguồn nào hết; với theo mình hiểu thì lý thuyết này được đăng tải trên internet cũng chỉ là đúc kết của một số Tarot gia nổi tiếng trong những năm gần đây, chứ không có tài liệu nào nói đến việc nó ra đời cùng thời với Tarot cả. Nếu các bạn không quá nghiêm khắc về vấn đề học thuật, các bạn có thể hiểu đơn giản rằng nó là một cách để ghi nhớ và áp dụng nghĩa của ẩn chính.*/*

Khi áp dụng lý thuyết này thì ta sẽ có Emperor và Justice cùng nằm ở cột 4, sự khác nhau là Emperor ở hàng thứ nhất, Justice nằm ở hàng thứ hai. Cùng cột số 4 có nghĩa hai lá bài Emperor và Justice cùng mô tả một loại tình huống; ở đây tình huống này thường về quan điểm hành xử và cách thức xử lý vấn đề. Hàng thứ nhất có người gọi là “practical”, ý muốn nói đến những đúc kết kỹ năng mang tính thực tế, mang tính “ý thức”; hàng thứ hai là “mental”, ý muốn nói đến những đúc kết mang tính thích nghi, tính “trực giác”.

Nghe hơi khó hiểu đúng không ạ? Khi mình dạy mình thường diễn giải rằng: hàng thứ nhất nói đến những bài học, đúc kết mang tính nhận thức cá nhân về chính bản thân mình. “Ý thức” ở đây tức muốn nói đến khả năng tự nhận định các vấn đề trong cuộc sống, hoàn cảnh của bản thân, năng lực và tiềm năng của bản thân. Tất cả các sự kiện của hàng này đều có thể được đánh giá thông qua ý thức, và tự cá nhân đó có thể tìm ra câu trả lời. Còn hàng thứ hai sẽ nói về những trải nghiệm chỉ đúc kết được khi chúng ta bước ra khỏi thế giới của riêng mình và va chạm với thế giới bên ngoài. Để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển tại một thế giới không chỉ có riêng ta, chúng ta sẽ cần phải kích hoạt trực giác, hòng luôn tìm được phương án phù hợp nhất. Bởi lúc này, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tác động từ các chủ thể khác bên ngoài, chứ không còn ở trong thế giới riêng của mình nữa.

Vậy áp vào hai lá bài trên như thế nào? Bạn sẽ thấy Emperor mang tính cá nhân rất mạnh. Emperor là người thống trị, ông ta đặt ra quy tắc, trật tự. Ông ta quyết định mọi thứ xung quanh cuộc sống của mình. Ông ta bảo vệ thế giới của mình dựa trên những luật lệ do ông ta soạn ra. Tất cả các từ ngữ sử dụng đều hướng đến tính cá nhân: Emperor là người hướng đến sự kiểm soát thế giới bằng cách của riêng mình.

Khía cạnh mà chúng ta phân tích ngày hôm nay là ông ta luôn giải quyết vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân. Bạn hãy tưởng tượng đến một vị vua mà ở đó ông ta cho rằng vương quốc sẽ an toàn hơn khi phát lệnh giới nghiêm vào 18h00 hàng ngày; ông ta sẽ sẵn sàng giết một người khi người này có hành động khiến ông ta không vừa ý. Chỉ cần ông ta muốn, ông ta sẽ làm những điều cho dù người khác có thích hay không. Đơn giản vì ông ta có quyền, và ông ta chính là luật. Cuộc sống chúng ta cũng sẽ có những trường hợp như thế: chúng ta làm những thứ mà mình cho là đúng dù người khác can ngăn; chúng ta đưa ra những yêu cầu dù người khác cho là không phù hợp. Chúng ta tự đặt ra luật lệ và quy tắc cho các vấn đề liên quan đến bản thân mình. Những người không thích sẽ nói chúng ta khó tính, người ủng hộ thì nói là cá tính – nhưng điều đó không quan trọng, bởi khi sống theo Emperor, chúng ta luôn là chính mình và cảm thấy an toàn.

Là lá bài ở hàng thứ 2, Justice lại cho chúng ta thấy rằng nếu cứ mãi là chính mình, thì sớm muộn bạn cũng sẽ bị thế giới đào thải. Justice nói đến tính cộng đồng – ở đây là “công lý”. “Công lý” là một dạng luật lệ được quy định bởi mỗi cộng đồng và có giá trị phân định, xét xử sự công bằng cho các cá thể trong cộng đồng ấy. Thế nên, mỗi hành động, phán quyết hay cách hành xử của chúng ta bây giờ sẽ cần phải thông qua lăng kính là góc nhìn của cộng đồng. Là một người xét xử công bằng, Justice sẽ không tôn trọng quan điểm cá nhân của bất kỳ ai. Thứ Justice làm là đi tìm một phương thức xử lý mà số đông công nhận – chính là “công lý”. Nếu bạn muốn thích nghi trong một thế giới mới, bạn cần biết luật lệ ở thế giới đó như thế nào. Bạn không thể áp đặt quan điểm cá nhân mình lên người khác và yêu cầu người khác phải làm theo. Bạn có thể tạo ra rào cản khi người khác muốn tiếp xúc với bạn. Nhưng khi bạn đang cần hòa vào cùng với người khác, bạn vừa phải tôn trọng “Emperor” của riêng họ, vừa phải làm những thứ mà “Justice” đồng ý.

Như vậy, sự giống nhau của Emperor và Justice là chúng đều nói về quan điểm nhận định, phương án hành động hay phương thức xử lý vấn đề. Sự khác biệt nằm ở chỗ tại Emperor, bạn có thể chỉ cần quan tâm đến quan điểm cá nhân mình mà bỏ qua người khác; nhưng tại Justice, bạn cần phải tinh tế trong việc hành xử bởi mỗi hành động của bạn đều sẽ có người khác đánh giá. Khi bạn là Emperor, bạn có thể ăn những thứ bạn thích mà không cần trả tiền; nhưng ở Justice, bạn chỉ có thể làm điều đó khi người làm ra món ăn đó đồng ý. Khi bạn là Emperor, bạn có thể trừng phạt một tội phạm theo cách mà bạn thích; còn ở Justice, bạn cần phải làm đúng theo quy định, theo luật pháp đã đặt ra. Bạn không thể xử tử hình một tội phạm chỉ ăn trộm một quả táo ở Justice – bởi người ta sẽ không cho rằng đó là một hình phạt phù hợp, một hành động đúng đắn; nhưng bạn có thể làm điều đó ở Emperor, cho dù người khác có phục hay không.

Không phải lúc nào làm theo những điều người khác đồng tình cũng là điều tốt, đôi khi bạn cần phải tự tin vào những quyết định của bản thân mình. Đó là lúc Emperor lên tiếng. Có thể bạn sẽ mất đi một vài thứ bạn quan tâm (bởi họ không phục mình), nhưng điều bạn có được chắc chắn sẽ là một sự bền vững, ổn định lâu dài. Còn khi bạn gặp Justice, bạn cần biết rằng đây là thời điểm phải hòa mình vào thế giới, lắng nghe dư luận và đưa ra những cách hành động hợp lý nhất. Đây là lúc cần phải tạm gạt bỏ cái tôi cá nhân sang một bên. Đôi khi những việc đúng đắn lại không phải là việc chúng ta muốn làm mà.

Giống như việc bắt đầu lười đăng bài này…

———————————————————————-

Nếu các bạn thích content của page, hãy like bài viết, chia sẻ bài viết cho bạn bè của mình để giúp page ngày càng phát triển nhé. Sự ủng hộ của các bạn chính là nguồn động lực để mình tiếp tục ra thêm nhiều content nữa. Thank you all.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *