09/23/2023

Nếu để nói chi tiết về khía cạnh này thì có lẽ mình sẽ cần hẳn một buổi workshop với nhiều tài liệu, công cụ như bảng, hoạt họa các thứ thì mới có thể giúp các bạn hình dung được kỹ hơn việc tìm dữ liệu quan trọng trên trải bài như thế nào. Lý do là ngôn ngữ viết rất khó để mô tả tính ứng dụng rộng rãi của từng lá bài trong từng trường hợp khác nhau. Tuy vậy, tại đây mình vẫn sẽ cố gắng viết lại những ý chính để các bạn tham khảo. Mình cũng cần phải nói trước rằng, khả năng đúc kết thông tin này đã nằm ở tầm trung và cao, chứ người mới muốn nắm được ngay thì sẽ là hơi tham vọng.

Bài viết này sẽ phân tích thông qua 3 khía cạnh chính như sau:

  1. Trải bài và hình thành trải bài
  2. Loại bài xuất hiện trong trải bài
  3. Đánh giá về nguyên tố xuất hiện trong trải bài

———————————————————————-

Tất cả content của bên mình đều có thể tìm được tại trang web: https://hometarot.com/

Like & Follow Page Tự Học để nhanh chóng tăng cường kiến thức: https://fb.com/hometarottuhoc

Group thảo luận của Home51: https://www.facebook.com/groups/321164786889786/

Page bán hàng: https://fb.com/home51vn          

Shop bán hàng: https://mykiot.vn/hometarot

Shopee: https://shopee.vn/hometarot

Hotline: 09.8686.2313

Địa chỉ Shop: Số 47 ngõ 71 Hoàng Văn Thái – Thanh Xuân – Hà Nội

———————————————————————-

Trải bài và hình thành trải bài

Đầu tiên chúng ta cần phải xem xét khía cạnh là có nhất thiết phải rút một trải bài nhiều lá? Sau đó, trải bài bạn rút có logic cụ thể hay không?

Ở Việt Nam, nhất là ở những người mới thường hay dùng một trải bài rút 3, 4, 5 cây cho một câu hỏi bất kỳ và xong rồi đọc. Đối với mình thì việc này giống như các bạn tìm ý để nói nhiều hơn là thực sự đang trải một trải bài đúng cách. Trong sách vở thì người ta gọi đó là “freestyle spread” hay dịch nôm na là “trải bài tự do”. Đúng, vì nó là tự do nên chẳng biết rằng nó đúng hay nó sai, nó đúng nhiều hay đúng ít, nó nên làm hay không nên làm. Tự do mà, thích gì chẳng được.

Quan điểm của mình thì giống như mình đã nói, trải bài tự do thường áp dụng khi các bạn muốn rút bài ra để nhìn mặt bài sao cho đến lúc sinh ra phản xạ tương tác => cảm thấy mình bắt đầu biết nói cái gì. Tệ hơn, một số trường hợp sẽ rút ra cho đến khi ra được lá bài hợp lý với ý mà bạn ấy muốn nói từ đầu và tập trung vào con bài đó, bỏ hết những lá còn lại. Một số trường hợp nữa là sau khi các bạn rút ra nhưng cảm thấy chưa chốt được câu chuyện, nên sinh ra một khái niệm gọi là “rút bổ sung”. Mình cũng dám cá là “lá bổ sung” ấy bạn đó chưa đọc được thì bạn ấy vẫn không tìm được câu trả lời, hoặc là rút tiếp đến khi ra lá nào biết, hoặc đúng ý bạn ấy thì thôi.

Quay trở lại trải bài tự do, sở dĩ không có sách nào đề cập và ủng hộ phong cách trải bài này là bởi vì bản chất trải bài cần được xây dựng với logic cụ thể: có mục đích, có vị trí và cùng nhau chúng đi tìm câu trả lời. Việc rút những lá bài ngẫu nhiên không những không giúp chúng ta xác định được phạm vi câu chuyện, mà theo lý thuyết mà nói chúng ta khó mà đọc cho chính xác. Bạn không thể rút 4 lá ngẫu nhiên xong rồi thấy lá bài A giống với khía cạnh nào mà khách hàng vừa kể, lá bài B giống với người yêu của khách này, lá C thì lại giống với người thứ 3 đang tham gia câu chuyện, trong khi đấy lá D không hiểu lắm: à đây là điều mình cần tìm hiểu xem nó là cái gì. Như vậy không phải là đọc bài Tarot. Như vậy là các bạn đang áp quan điểm cá nhân của các bạn lên các lá bài sao cho hợp với luồng suy nghĩ của bạn mà thôi.

Còn nếu bạn không áp nghĩa cho chúng sau khi đã rút ra, thì hãy tưởng tượng mỗi lá bài có 10 ý cần khai thác, 2 lá bạn sẽ phải xem xét 10×10=100 tổ hợp, 3 lá tương đồng nhau sẽ là 1000 tổ hợp ý nghĩa… việc một trải bài luôn có các vị trí cho từng lá bài chính là để giới hạn phạm vi ý nghĩa nhằm tìm được đáp án chính xác dễ dàng hơn.

Vì vậy mình đi đến kết luận thứ nhất: Việc đúc kết thông tin quan trọng từ trải bài đầu tiên cần phải được thực hiện trên một trải bài đúng cách, có logic rõ ràng.

Như mình đã đề cập ở các bài trước, số lượng lá bài trên trải bài là số lượng thông tin cần có mà bạn cho rằng chúng sẽ cùng nhau đưa cho bạn một câu trả lời bạn đang cần tìm. Hãy lấy một ví dụ: Bạn A đang muốn mở một quán café. Những người suy nghĩ đơn giản có lẽ chỉ cần quan tâm đến việc A đang có bao nhiêu tiền; suy nghĩ rộng hơn một chút thì sẽ quan tâm đến việc A định mở quán ở đâu, diện tích mặt bằng là bao nhiêu; suy nghĩ sâu xa hơn một chút nữa chúng ta còn quan tâm đến cả chủ đề của quán,  đối tượng khách hàng quán hướng đến, giá cả đồ uống, không gian trang trí, kế hoạch nhân sự, dự kiến hoàn vốn… Số lượng thông tin này càng nhiều thì sẽ càng giúp chúng ta đánh giá kết quả của kế hoạch đó rõ ràng hơn. Tương tự, số lượng lá bài Tarot cũng vậy. Càng nhiều lá bài thì bạn càng có nhiều thông tin và điều đó sẽ phải giúp bạn đưa ra được những nhận định chính xác hơn, ít lá bài thì sẽ đưa ra câu trả lời chung chung hơn.

Điểm mạnh của trải bài ít lá là đọc nhanh, dễ đọc; điểm yếu là câu chuyện chỉ mang tính định hướng chung chung, muốn đi vào cụ thể reader cần tự suy luận dựa trên trải nghiệm sống của mình. Điểm mạnh của trải bài nhiều lá là thông tin rất đầy đủ, có thể đưa ra những tình huống chi tiết và chính xác; điểm yếu là lượng thông tin quá nhiều, khó kết nối, dễ sai sót. Quay trở lại với ví dụ, giả sử bạn chỉ biết rằng bạn A đang có 1 tỷ và muốn mở quán café, có lẽ bạn sẽ nói rằng “đương nhiên là mở được rồi” và với kinh nghiệm đi café của mình bạn vẽ cho A một quán café bạn tưởng tượng với số tiền ấy thì sẽ có quy mô như thế nào. Còn nếu bạn nghe cả một kế hoạch chi tiết của A, có thể bạn sẽ định hình được liệu 1 tỷ có đủ hay không, hay kế hoạch hoàn vốn này có mạo hiểm không, có cần thực sự phải thuê 10 nhân viên cho quy mô quán này hay không?

Tuy nhiên, bản kế hoạch chi tiết là một chuyện, đối với cá nhân mình thì việc mở quán café vẫn bị ảnh hưởng bởi vốn nhiều nhất, sau đó là địa điểm, rồi mới đến những khía cạnh khác như trang trí, đồ uống… và đó chính là thứ tự ưu tiên thông tin quan trọng (đối với mình).

Kết luận thứ hai: Đối với một trải bài nhiều lá (mà các lá bài đều có vị trí ý nghĩa của chúng) thì chúng ta cần xác định đâu là những thông tin quan trọng nhất trước, những lá bài này chính là thông tin quan trọng cần đúc kết, những lá bài còn lại sẽ mang tính bổ trợ thông tin.

Như vậy sau hai luận điểm của mình, các bạn có lẽ sẽ thấy những gì mình chia sẻ đi ngược lại câu hỏi mà các bạn yêu cầu: “Đúc kết thông tin quan trọng từ một trải bài nhiều lá”. Câu hỏi này mình hiểu là các bạn gặp khó khăn trong việc lấy thông tin quan trọng khi rút nhiều lá bài, nhưng thực tế thì lại là càng rút nhiều thì phải càng dễ hơn, càng rút ít thì lại càng khó mới đúng. Vậy những bạn nào đang gặp cảnh này, bạn hãy xem lại việc mình sử dụng trải bài đã đúng cách chưa nhé. Mình không xa lạ gì với cảnh “câu hỏi này thì rút như nào, rút bao nhiêu lá, rút theo nội dung như thế nào” khi dạy học viên, nên nếu các bạn cần tham vấn, hãy comment hoặc đăng bài trong group thảo luận để chúng ta trao đổi.

Ở phần sau, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích sự xuất hiện của các loại lá bài khác nhau trong trải bài (ẩn chính, ẩn phụ – số, ẩn phụ – hoàng gia) sẽ ảnh hưởng đến cách đúc kết thông tin quan trọng như thế nào nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *