
3. Kinh nghiệm sử dụng tarot của reader
Khi chúng ta học một ngôn ngữ, chúng ta luôn được dạy rằng phải thường xuyên thực hành, chịu khó giao tiếp, còn có cơ hội được sống trong môi trường người bản xứ thì không gì bằng. Học tarot cũng vậy, nếu chỉ tập trung vào những cuốn sách và những lá bài khô khan thì bạn sẽ thiếu đi kinh nghiệm thực chiến. Đây là một trong những tình trạng khá phổ biến với học viên của Home: khi được hỏi về kiến thức thì trả lời đạt ưu, nhưng khi rút một trải bài ra thì thường xuyên diễn ra tình trạng á khẩu, đứng hình, lắp bắp.
Khi chúng ta học ngôn ngữ, việc chúng ta thuộc từ vựng và ngữ pháp là tiền đề để chúng ta diễn đạt và phát âm chính xác; tuy nhiên việc ít sử dụng thực tế sẽ khiến khả năng đối đáp, lập luận hay nói cách khác là phản xạ ngôn ngữ của chúng ta bị chậm đi. Một vấn đề nữa là tình trạng máy móc, rập khuôn vào những kiến thức được viết trong sách vở, trong khi thực tế bên ngoài thì có sự khác nhau rất lớn giữa ngôn ngữ “viết” và ngôn ngữ “nói”. Chỉ có cách hòa nhập, chúng ta mới dần thích nghi và học theo cách nói vắn tắt, tiếng lóng hay những thói quen giao tiếp của môi trường ấy.
Tương tự, kinh nghiệm sử dụng tarot nói chung hay một vài bộ bài cụ thể nói riêng tác động tích cực đến khả năng sử dụng tarot của reader đó. “Quen tay, thuận mắt” một bộ bài, một vài trải bài hay một số kiểu câu hỏi cụ thể sẽ giúp chúng ta trở nên tự tin hơn và cũng ‘dám’ đưa ra những nhận định chuyên sâu và đanh thép. Những reader có kinh nghiệm thường nhanh chóng nhận ra những ‘hình bài’ mang tính phổ thông – ý muốn nói đến những câu chuyện thông thường trong cuộc sống hàng ngày; hay trải bài có chút đặc biệt – cần lưu tâm và đi sâu hơn để tìm ra câu trả lời. Một reader có nhiều kinh nghiệm sẽ sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới, câu chuyện mới, thử một bộ bài mới có phong cách hoàn toàn khác. Trong khi đó, dù có được học hành bài bản đến đâu, người ít kinh nghiệm đọc bài thực tế sẽ không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ, cầu toàn. Bị rập khuôn vào những kiến thức mang tính chung chung mà mình chăm chỉ ghi nhớ, những reader này sẽ khó khăn trong việc liên kết câu truyện trên lá bài vào câu chuyện thực tế của querent. Một case bài lúc này thay vì là sự trao đổi và truyền đạt thông điệp từ reader đến querent mà nó trở thành sự đấu tranh nội tâm của reader về việc họ tự hỏi bản thân mình rằng mình có sai ở đâu không.
Tích lũy kinh nghiệm sử dụng tarot sẽ khiến quá trình đọc tarot của bạn “mượt” hơn. Bạn sẽ nhanh chóng có được phản xạ ngôn ngữ cần thiết để nhận định câu chuyện trong một trải bài sẽ thường diễn biến như thế nào, hay tự định hướng bản thân mình vào một lối giải phù hợp nhất; bạn sẽ không phải loay hoay tìm kiếm, giản lược bớt các từ khóa, các tầng nghĩa để từ đó kết nối các lá bài đơn lẻ trong trải bài lại với nhau.
Kết luận 03: Một vòng lặp luẩn quẩn giữa việc “Kiến thức chưa vững thì không đi đọc sợ sai” và “không đi đọc thì không áp dụng được kiến thức” là câu chuyện không phải của mỗi ai. Hướng giải quyết ở đây cũng là sự đúc kết của ba mục 1, 2, 3: hãy tự lượng sức của bản thân, dựa trên các tiêu chí đánh giá ấy để đưa ra một cách thức sử dụng tarot phù hợp nhất với mình. Sẽ chẳng có gì sai nếu bạn nói trước với querent rằng tôi mới học nên câu trả lời có thể còn chung chung; sẽ không có gì xấu hổ khi thừa nhận rằng mình ít kinh nghiệm trong vấn đề được hỏi và cần tương tác nhiều hơn với querent. Chúng ta cần cân đối giữa khả năng của bản thân và kỳ vọng của querent. Ví dụ như khi bạn bắt đầu đọc bài trả phí, bạn cần hiểu rằng khách hàng sẽ chỉ muốn trả mức phí tương xứng với những gì họ nhận được, và chắc chắn họ sẽ khó tính hơn so với một trải bài miễn phí.
4. Kỹ năng giao tiếp
Kiến thức thâm sâu, kinh nghiệm phong phú nhưng lại không có khả năng diễn giải và truyền đạt thông tin thì cũng vẫn khiến quá trình đọc tarot gặp nhiều khó khăn. Kỹ năng giao tiếp được quy định một phần từ tố chất của mỗi cá nhân – thứ có thể nhìn được trong bản đồ sao chiêm tinh – nhưng đây cũng hoàn toàn là một kỹ năng có thể tích lũy và trau dồi theo thời gian. Sự cân bằng giữa kiến thức nền, kinh nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm sử dụng tarot thường sẽ cho ra khả năng truyền đạt thông tin một cách tốt nhất. Lấy ví dụ dựa trên các đề mục mà mình phân tích ở trên: một người có nhiều kiến thức sách vở nhưng còn non trẻ trên đường đời và cũng ít thực hành khi đọc tarot sẽ dễ bị hồi hộp, thiếu tự tin, thiếu tính dứt khoát; trong khi đó, một người từng trải nhiều nhưng ít kiến thức sẽ có xu thế diễn giải áp đặt và đề cao cái tôi cá nhân; hay một người dùng tarot nhiều nhưng không có nền vững cũng không từng trải sẽ thường diễn giải lan man chung chung thiếu trọng tâm.
Khi nói về Khí trong giao tiếp, mình thường đưa ra mức độ như sau:
– Đầu tiên, bạn cần phải “hiểu” vấn đề đang được đề cập đến. Điều này tương tự như bạn biết lửa thì nóng, cầm một cuốn sách lên thì nhận biết được nó làm bằng giấy chứ không phải bằng nhựa… khi rút một trải bài, bạn hiểu rằng trải bài này có nội dung gì, hiểu được thông điệp mình cần nhắn nhủ lại cho querent là gì.
– Tiếp đến, là khả năng “nói” ra được cách hiểu của bạn. Nói cách khác là biến suy nghĩ trong đầu của mình trở thành ngôn ngữ phổ thông. Điều này cho thấy khả năng diễn đạt của bạn đến đâu, và ít nhất cũng cho thấy khả năng thấu hiểu suy nghĩ của chính bản thân mình. Nghe thì có vẻ dễ, nhưng trong đầu suy nghĩ rồng phượng mà nói ra giun rắn là chuyện không có gì bất ngờ cả nhé.
– Cao hơn nữa là khả năng “truyền đạt” cách hiểu của bạn cho người khác nghe để người khác cũng có thể hiểu vấn đề giống như bạn đang hiểu, hoặc như bạn đang muốn người ta hiểu. Nhiều khi bạn thắc mắc rằng bạn giải thích chi tiết như vậy rồi mà khách hàng không chịu hiểu: đó là bởi vì bạn sử dụng những từ ngữ, những thuật ngữ và kiến thức mà chỉ có một mình bạn hiểu mà thôi. Nó giống như việc bạn cố gắng giải thích về beat của một bài hát không đạt ra sao, trong khi người nghe chỉ biết nghe bài hát theo lời và theo vần vậy.
Truyền đạt không đúng cách không những khiến khách hàng khó hiểu, mà tệ hơn còn có thể dẫn đến việc hiểu sai. Cùng là một thông tin nhưng phản ứng tiếp nhận của mỗi cá nhân lại khác nhau. Một ví dụ là khi bạn nói rằng vấn đề “không có nhiều triển vọng” thì khách hàng có thể lập tức tự hiểu thành “vấn đề rất tệ” chẳng hạn.
Để có thể sử dụng được tarot thì mình cho rằng tối thiểu bạn phải đạt được ở mức số 3. Mục đích của việc đọc tarot là đưa ra những thông điệp và lời khuyên hữu ích cho khách hàng. Chính vì vậy việc bồi dưỡng khả năng ngôn từ và biết cách nói chuyện là cực kỳ cần thiết. Ngoài việc nói đúng, diễn giải hay, bạn còn cần phải nắm bắt được tâm lý và tính cách của khách – để biết khi nào nên cứng rắn, khi nào nên mềm mỏng, cũng như lôi cuốn khách hàng vào trong câu truyện của mình.
*****
Như vậy mình đã điểm qua 4 đề mục mà mình cho rằng chúng ít nhiều có thể giúp các bạn tự định mức được trình độ tarot của bản thân cũng như có một chút định hướng về con đường phát triển tiếp theo. Điểm mấu chốt ở đây không phải nằm ở việc mỗi kỹ năng thì bạn đã đạt đến cấp độ nào; mà nó nằm ở việc bạn đã thực sự hài hòa giữa các kỹ năng đó hay chưa. Quá tập trung vào một khía cạnh mà bỏ qua các khía cạnh khác sẽ tạo ra những lỗ hổng và phát sinh trải nghiệm không tốt. Đối với mình, tarot không có định mức nào là “thành tài”, ở mọi cấp độ chúng ta đều có thể sử dụng tarot một cách hiệu quả, miễn sao chúng ta luôn hiểu rõ giới hạn của bản thân và sử dụng tarot đúng mục đích. Mình hi vọng qua chủ đề số 01 này, các bạn đã định hình được con đường phát triển tiếp theo cần đạt đến. Đừng quên rằng nếu bạn cần chia sẻ một tình huống đặc biệt của bản thân, bạn hãy comment tại bài viết này hoặc đăng trên group thảo luận của page nhé.
—————————————————————————-
Nếu các bạn thích content của page, hãy like, share bài viết và follow page để ủng hộ Home Tarot tiếp tục ra content mới nha các bạn.
Mọi thắc mắc các bạn có thể comment tại đây hoặc đăng tại group thảo luận dành riêng cho page:
https://www.facebook.com/groups/321164786889786
Chúng mình bắt đầu lại từ con số 0, rất hi vọng các bạn ủng hộ để page ngày càng phát triển.
Thân ái,
– Home Tarot –